Dự thảo cho phép kê đơn thực phẩm chức năng đang được xây dựng
6/2/15
Ông Lê Văn Giang, Cục phó cục an toàn thực phẩm
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ ban hành dự thảo Thông tư, trong đó cho phép việc kê đơn thực phẩm chức năng (TPCN). Khi đó, người tiêu dùng sẽ trực tiếp được nghe tư vấn từ chính các bác sỹ về liều lượng, cách sử dụng cũng như sản phẩm sử dụng phù hợp với thể trạng cơ thể mỗi người.Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã cuộc trao đổi với ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Thưa ông, năm 2008, Bộ Y tế đã có Thông tư 04 về quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, trong đó quy định không cho thầy thuốc kê TPCN trong đơn thuốc. Nhưng chúng tôi được biết đến thời điểm này, Bộ lại đang xây dựng Dự thảo thông tư, trong đó cho phép việc kê đơn TPCN. Điều đó mang thông điệp gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Giang: Không phải đến bây giờ Bộ Y tế mới nghĩ đến việc cho phép kê đơn TPCN, mà việc này đã được cân nhắc từ trước đó rất nhiều lần. Bộ cũng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, các đại diện trong, ngoài nước và các chuyên gia.
Không được kê TPCN trong đơn thuốc và đơn TPCN riêng là hai việc khác nhau. Các thuốc trong đơn thuốc là chỉ định điều trị của thầy thuốc. Còn đơn TPCN là khuyến cáo, trong đó in sẵn câu "Sản phẩm TPCN khuyến cáo sử dụng, không bắt buộc" ở đầu tờ đơn để tăng sự chú ý của người bệnh, và câu: "Sản phẩm này không phải là thuốc không thay thế thuốc chữa bệnh" ở cuối tờ đơn. Điều này nhằm giúp người bệnh yên tâm, nếu có điều kiện thì dùng, nếu không có điều kiện thì không nhất thiết phải dùng, mà chỉ cần mình thuốc đã được thầy thuốc chỉ định trong đơn thuốc là đủ.
Nếu điều này được thống nhất thì người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với thông tin đảm bảo độ tin cậy, có lợi trong duy trì, nâng cao sức khoẻ.
Nếu không cho kê đơn TPCN, người dân khó tiếp cận những thông tin chính thống về các sản phẩm này dẫn đến việc sử dụng theo cảm tính, truyền miệng, gây tốn kém và hậu quả khôn lường cho bệnh nhân.
Thưa ông, theo dự thảo này, đối tượng nào được phép kê đơn TPCN cho bệnh nhân?
Ông Lê Văn Giang: Các thầy thuốc sau khi khám và chẩn đoán bệnh sẽ kê đơn thuốc để chỉ định loại thuốc cho bệnh nhân sử dụng thì cũng là lúc khuyến cáo cho người bệnh nên ăn gì (trong đó có đơn TPCN nếu thầy thuốc thấy cần), tập luyện, nghỉ dưỡng như thế nào...
Vậy, khi Dự thảo thông tư này ra đời, sẽ có ý nghĩa và tác động như thế nào đến người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Lê Văn Giang: Khi Dự thảo này ra đời, trước tiên sẽ làm rõ hơn khái niệm TPCN, tránh hiểu lầm cho người tiêu dùng không rõ đâu là thuốc, đâu là TPCN, vì đây là sản phẩm giao thoa giữa sản phẩm thực phẩm thông thường và thuốc để điều trị bệnh.
TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Ví dụ: TPCN tăng cường chức năng gan, tăng cường chức năng bài tiết của thận, duy trì huyết áp ổn định, giảm mỡ máu, ổn định đường huyết… TPCN bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Tuy nhiên, sau khi bổ sung hàm lượng vitamin, khoáng chất phải đạt từ 15% nhu cầu theo mức đáp ứng khuyến cáo thì mới được công bố công dụng. Và khi vượt quá 100% thì phải có tài liệu chứng minh liều dùng phù hợp với đối tượng sử dụng.
Thứ hai, Dự thảo sẽ góp phần nâng cao việc kiểm soát chất lượng sản phẩm của cơ quản lý TPCN.
Trong hồ sơ công bố cũng như trên nhãn sản phẩm phải thể hiện rõ hàm lượng các thành phần chính có tác dụng, phải phù hợp với các tài liệu chứng minh. Với các hoạt chất sinh học mà các phòng kiểm nghiệm ở Việt Nam định lượng được thì trong quá trình làm công bố phải có phiếu kiểm nghiệm định lượng, chỉ định tính khi các phòng kiểm nghiệm không thể định lượng được.
Thứ ba là công bố về sản phẩm phải đi đôi với chất lượng của sản phẩm.
Một sản phẩm được công bố có tác dụng thì phải có chứng minh phù hợp giữa hàm lượng hoạt chất có trong sản phẩm và công dụng của sản phẩm, trong trường hợp công bố sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị thì phải được chứng minh qua đánh giá hiệu quả về công dụng, kết quả chứng minh phải được hội đồng khoa học thông qua.
Thứ tư tăng cường được quản lý quảng cáo. Trong quảng cáo đối với TPCN, Dự thảo này quy định, nội dung quảng cáo phải được xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản. Nội dung quảng cáo không được trái với công dụng công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Đặc biệt, khi quảng cáo trên truyền hình phải đọc và cho chạy dòng chữ bắt buộc: “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” một cách rõ ràng để người dân có thể nghe và nhìn thấy trong điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, những người làm kinh doanh đưa thông tin về TPCN đến với người tiêu dùng phải được tập huấn. Mặc dù việc này khó quản lý, nhưng nếu nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội thì chắc chắn những thông tin đến với người tiêu dùng sẽ chính thống hơn rất nhiều.
Trong khi chờ Dự thảo của Bộ chính thức có hiệu lực, ông có khuyến cáo như thế nào với người tiêu dùng khi sử dụng TPCN hiện nay?
Ông Lê Văn Giang: Bản thân mỗi người tiêu dùng nếu chịu khó đọc các thông tin ghi trên nhãn các sản phẩm TPCN hiện nay thì sẽ khá đầy đủ thông tin. Khi ấy, người tiêu dùng vừa là người phản biện, vừa là kiểm soát viên, đừng để phó thác sức khỏe và tính mạng của mình hoặc người thân khi sử dụng một sản phẩm mà chưa biết rõ về sản phẩm mình sẽ dùng. Nếu không hiểu, nhất thiết phải có sự tư vấn của chuyên gia, không nên dùng đại theo kiểu truyền miệng, đồn thổi.
Chia sẻ:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét