Tăng huyết áp ở người trẻ, chớ coi thường!
27/7/15
Theo những chuyên gia hàng đầu về tim mạch, hiện nay bệnh cao huyết áp là một vấn đề thời sự vì mức độ phổ biến với tỷ lệ không ngừng gia tăng và trở thành một yếu tố sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp, trong những năm 1960, tỉ lệ bệnh nhân mắc THA là 1%, đến năm 1992 tỉ lệ này là 11,2%, tăng dần theo các năm đến năm 2001 là 16,3% và tăng lên đến 18,3% vào năm 2005. Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam năm 2008 ở người lớn trên 25 tuổi tại 8 tỉnh và thành phố ở nước ta, tỷ lệ tăng huyết áp là 25,1% nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị cao huyết áp.
Có nhiều quan điểm cho rằng cao huyết áp chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng thực tế cao huyết áp vẫn xảy ra ở người trẻ (< 35 tuổi) với tỷ lệ mắc bệnh 5 - 12%. Cao huyết áp nói chung và cao huyết áp ở người trẻ nói riêng được xem là "kẻ giết người thầm lặng". Trong đó có khá nhiều người không biết mình bị bệnh dẫn đến huyết áp không được kiểm soát. Hậu quả là các biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não... tiến triển tăng dần và để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề đeo đẳng bệnh nhân suốt phần đời còn lại. Theo đánh giá của các chuyên gia, người trẻ bị tăng huyết áp nguy hiểm hơn người già, bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình và thường được phát hiện tình cờ trong những đợt khám sức khỏe định kì hoặc khi bệnh nhân đến khám bệnh vì lí do khác. Dấu hiệu không điển hình của bệnh cao huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc và giao tiếp... Nếu nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% không có nguyên nhân thì ở người trẻ, tỷ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Các nguyên nhân có thể gặp là bệnh lý thận mãn tính, mất cân bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu bia. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ góp phần làm THA là hút thuốc, béo phì, stress, ăn quá mặn...
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần có chế độ ăn khoa học như sau:
- Ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ
- Không nên ăn quá 2-4gam muối/ngày
- Nên ăn nhiều rau xanh trái cây (vì có chứa nhiều kali), sữa, tôm, cua, thịt để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ tim mạch, nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt lợn, bò, gà.
- Không nên ăn quá ngọt, nên hạn chế uống rượu, cafe, các chất kích thích, nên bỏ hút thuốc lá.
- Nên đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày khoảng 30 - 45 phút.
- Nên theo dõi huyết áp hàng tuần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Chia sẻ:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét